CHÍNH SÁCH ĐÚNG ĐẮN ĐƯA NINH THUẬN TRỞ THÀNH TRUNG TÂM MĂNG TÂY CỦA CẢ NƯỚC
Ninh Thuận được xem là vùng “tiểu sa mạc” khô hạn nhất Việt Nam, khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình là khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 27°C, trong năm có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau.
Người dân Ninh Thuận vốn sống chủ yếu vào việc trồng các loại cây nông nghiệp hằng năm và các loại cây công nghiệp đặc thù như nho, thuốc lá, bông vải, mía, điều. Tuy nhiên, các loại cây trồng này vẫn không thể phát triển tốt ở những vùng đất khô cằn nên nhiều hộ gia đình vẫn chưa thể thoát nghèo.
Với thực tế đó, chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã nghiên cứu và tìm ra giải pháp nhằm tìm ra được loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhưng phải cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Và măng tây là một trong những cây trồng chủ lực được lựa chọn.
Được du nhập về Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ XX, song phải đến năm 2005 măng tây mới được trồng thử nghiệm tại tỉnh Ninh Thuận. Nhận thấy loại cây này có đặc tính thích nghi tốt với điều kiện nơi đây, tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành nhân giống và bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ năm 2015.
Thấy được tiềm năng và giá trị kinh tế mà cây măng tây mang lại, người nông dân Ninh Thuận đã chở đất, cát, gánh phân chuồng ủ hoai về cải tạo đất trồng nho, trồng lúa kém hiệu quả để chuyển qua trồng măng tây. Mỗi 1 ha măng tây cần chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư không phải trở ngại bởi chính sách hỗ trợ và định hướng của tỉnh Ninh Thuận cho người dân trồng măng tây rất bài bản và khoa học. Ngoài việc huy động nguồn vốn cho nông dân, tỉnh Ninh Thuận còn hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, cây giống, phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn dân cư và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Để nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân địa phương, mô hình cánh đồng lớn măng tây xanh đã được tỉnh Ninh Thuận triển khai đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Những hợp tác xã, người nông dân trồng măng tây tham gia vào mô hình được hướng dẫn về quy trình canh tác măng tây theo chuẩn VietGAP, được hỗ trợ mua cây giống, đầu tư hệ thống tươi tiết kiệm nước nhằm tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận còn tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư, phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất măng tây theo hướng hữu cơ, sinh học.
Có thể nói, cây măng tây hiện là một trong những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất của tỉnh Ninh Thuận. Chỉ vừa mới phát triển trong thời gian ngắn, nhưng măng tây Ninh Thuận đã tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thị trường Việt Nam. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ hướng đến xây dựng những vùng chuyển canh cây măng tây để đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngày 16/3/3017, Ban phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch số 853/KH-BPTSPĐT về hoạt động của Ban phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh năm 2017. Từ đây, Dự án Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Măng tây Ninh Thuận” được triển khai và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 303688 theo Quyết định số 52353/QĐ-SHTT ngày 24/7/2018. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng bền vững thương hiệu Măng tây Ninh Thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động trồng, sản xuất, chế biến và cung ứng sản phẩm khi được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Măng tây Ninh Thuận”.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 15/3/2019, Ban phát triển sản pẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận tiếp tục xây dựng kế hoạch số 961/KH/BPTSPĐT xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, và một lần nữa Nhãn hiệu chứng nhận “Măng tây Ninh Thuận” được phát huy vai trò của mình trong Dự án Quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Măng tây Ninh Thuận”.
Dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận. Tại Dự án, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL – Đơn vị chủ trì Dự án đã thực hiện nhiều nội dung công việc giúp quảng bá và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận, trong đó có việc marketing online trên nền tảng phổ biến là Facebook và Google hàng ngàn lượt tương tác. Qua đó nâng cao uy tín, danh tiếng và giá thị thương hiệu “Măng tây Ninh Thuận”, góp phần quảng bá hình ảnh đặc sản của Ninh Thuận ra khắp cả nước, tăng khả năng cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và tăng lợi ích kinh tế cho các nhà sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Dự án còn tạo được cơ chế kiểm soát hiệu quả nguồn gốc, chất lượng sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận, tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, từ đó giúp ổn định và mở rộng thị tường tiêu thụ, tăng giá bán của sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận.
Theo số liệu Cục Thống kê Ninh Thuận năm 2021, Diện tích măng tây cho thu hoạch cả năm là l726,7 ha, với năng suất thu hoạch 75,6 tạ/ha và sản lượng đạt 5.492,6 tấn. Qua phối hợp với các địa phương rà soát, hiện nay diện tích trồng cây măng tây toàn tỉnh là 244,18 ha. Trong đó, diện tích măng tây được chứng nhận VietGAP: 107 ha/199 hộ (tại các huyện: Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải và Thuận Bắc).
Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong cả nước đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong việc sản xuất. Tuy nhiên, nông sản của tỉnh Ninh Thuận vẫn được kết nối để đảm bảo không để ùn ứ tại vườn của nông dân.
Theo lời ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận: “Ngoài cây măng tây, các sản phẩm đặc thù trên địa bàn hiện được kết nối tiêu thụ đảm bảo. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, giao thương hàng hóa các tỉnh có phần chậm lại và giá cả cũng có giảm xuống so với trước khi có dịch.”
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Tú cũng cho biết, Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu măng tây của các thành viên với đối tác. Vì vậy, mặc dù dịch COVID-19 hoành hành nhưng Hợp tác xã vẫn thu mua cho người trồng măng tây với giá cả ổn định.
Hiện nay, thời tiết nắng nóng không phải chính vụ măng tây nên Hợp tác xã cho bà con cắt dưỡng để măng tây có năng suất cao hơn. Ông Hùng Ky giải thích rằng măng tây sau 3 tháng thu hoạch liên tục thì phải xả bỏ những cây già để nuôi dưỡng lại cây non. Hợp tác xã phải tính toán luân phiên các thành viên xả bỏ để đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường. Theo ông Hùng Ky, hiện đối tác phải thu mua thêm bên ngoài để đủ lượng hàng.[1]
Nhờ vào sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, những người nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm măng tây trên địa bàn tỉnh cùng chính sách và định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận đã giúp sản phẩm măng tây Ninh Thuận trở thành sản phẩm mạnh trên thị trường, nâng cao giá trị, uy tín, danh tiếng của sản phẩm, người nông dân từ cây măng tây đã nỗ lực cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên làm giàu.
Trong tương lai, hứa hẹn sản phẩm măng tây sẽ còn phát triển hơn nữa không chỉ trên thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tác giả: Lê Thị Bích Thủy
[1] https://laodong.vn/xa-hoi/nong-dan-o-ninh-thuan-ly-giai-viec-cat-mang-tay-cho-bo-an-936245.ldo