Cừu Ninh Thuận
Cừu (Ovis aries) là động vật có vú, thuộc Bộ Guốc chẵn, phân bộ nhai lại, họ Bovina, họ phụ Caprinea, giống Ovis. Giống Ovis bao gồm tất cả các loài cừu, trong đó có các loài cừu đã được thuần hóa Ovis aries. Qua nghiên cứu người ta thấy giống cừu ngày nay bắt nguồn từ 3 giống hoang dã chính là: Ovis argali (O. ammorr) sống vùng Trung Á, Ovis urial (O.vignei) sống vùng Trung Á và Tây Á, Ovis moufflou (O. mussimon) sống chủ yếu vùng Châu Á và Châu Âu.
Cừu là gia súc nhai lại được nuôi ở nhiều nước trên thế giới, cung cấp một lượng lớn thịt và sữa, đây là nguồn protein động vật có chất lượng cao cung cấp cho hoạt động sống của con người. Da và lông cừu là nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp may mặc, sản xuất đồ da, góp phần vào kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra chăn nuôi cừu còn cung cấp một khối lượng lớn phân bón cho cây trồng góp phần cải tạo đất. Cừu cũng có những đóng góp vào đời sống văn hóa, xã hội của con người, là con vật hiến tế được dùng cho các nghi lễ, phong tục đời sống của những người theo đạo Hồi.
Chăn nuôi cừu có nhiều ưu điểm so với các ngành chăn nuôi khác là cần ít vốn, quay vòng vốn nhanh, tận dụng được lao động và điều kiện tự nhiên ở những vùng sinh thái nghèo dinh dưỡng, không cạnh tranh lương thực với con người, chuồng trại đơn giản. Nghề chăn nuôi cừu phát triển góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo, ổn định kinh tế và xã hội. Phát triển chăn nuôi cừu là định hướng hợp lý cho những vùng khô hạn, bởi vì cừu sống kham khổ và thích nghi tốt ở những vùng khô hạn, nắng nóng. Chăn nuôi cừu phát triển sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và địa phương nói riêng.
Theo số liệu của tổ chức FAO cho thấy, tổng sản lượng thịt của thế giới năm 2011 là 297,1 triệu tấn, trong đó riêng sản lượng thịt cừu là 7,9 triệu tấn. Trung Quốc là nước có số lượng thịt cừu lớn nhất với 2,1 triệu tấn, tiếp đến là Australia 0,5 triệu tấn, Ấn Độ 0,3 triệu tấn. Sản lượng thịt cừu của riêng khu vực Châu Á là 4,1 triệu tấn chiếm 51,7% tổng sản lượng thịt cừu thế giới. Sữa và các sản phẩm từ sữa cừu là 9,6 triệu tấn, chiếm 1,32% tổng sản lượng sữa trên thế giới. Các nước chủ yếu dùng sữa cừu là Afghanistan, Iran, Saudi Arabia…Lông cừu là nguồn nguyên liệu sản xuất len quan trọng, theo số liệu của FAO (2011) sản lượng da và lông cừu trên toàn thế giới 1.074 triệu tấn, trong đó các nước có sản lượng lớn là Australia 89.607 tấn, Mông Cổ 20.136 tấn, Pakistan 17.841 tấn…
Cừu Ninh Thuận là một giống cừu được du nhập từ hàng trăm năm vào Việt Nam bởi các nhà truyền đạo từ Ấn Độ, Pakistan và Châu Phi. Theo những người dân bản xứ thì đàn cừu đã có mặt ở Ninh Thuận hơn 100 năm do người Chà Là (Ấn Độ) mang tới. Trải qua một thời gian dài được nuôi thử nghiệm ở nhiều địa phương trong cả nước, đến nay có thể khẳng định giống cừu đã thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt ở vùng đất Ninh Thuận. Giống cừu Ninh Thuận cho chất lượng thịt khá ngon, khả năng chống chịu bệnh tật tốt, chịu được kham khổ, hiền lành, dễ nuôi. Cừu Ninh Thuận có khả năng sinh trưởng tốt trên những cánh đồng nghèo và khô cằn. Mặc dù có nhiều địa phương trong cả nước nuôi cừu, tuy nhiên cừu Ninh Thuận được xem là giống cừu đặc trưng duy nhất ở Việt Nam hiện nay, bởi vì ngoài những đặc điểm sinh học thích nghi của cừu đối với khí hậu ở Ninh Thuận, sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận còn được đánh giá là có chất lượng ngon, sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường về bổ dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính yếu tố về điều kiện tự nhiên của vùng đất Ninh Thuận, cùng với đặc tính sinh học đặc trưng của giống cừu, kết hợp với tập quán chăn thả của người nuôi, đã làm nên danh tiếng cho sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận.
Hiện nay, cừu Ninh Thuận đã được tiêu thụ rộng rãi ở các nhà hàng lớn tại địa phương và được phân phối đến các thành phố lớn phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Bà rịa-Vũng tàu…một số tỉnh phía Bắc như: Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên…trong cả nước ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm thịt cừu và lượng tiêu thụ cũng ngày một tăng cao, trở thành một trong những món ẩm thực đặc sản trong các món ẩm thực Việt Nam.
Theo thống kê năm 2014 quy mô đàn cừu ở Ninh Thuận là 86.910 con, trong đó cừu bản địa Ninh Thuận hiện chỉ chiếm 10-15%, còn lại 85-90% là cừu lai (lai giữa cừu bản địa Ninh Thuận với cừu Dorper của Australia). So với các đàn gia súc khác thì đàn cừu ở Ninh Thuận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, bình quân trong giai đoạn 2001-2013 là 12,8%, mặc dù trong 2 năm 2014-2015 do tình hình nắng hạn diễn ra kéo dài và khốc liệt, cừu bị chết nhiều, quy mô đàn cừu có giảm sút, tuy nhiên tổng đàn vẫn giữ ở mức cao so với các năm trước. Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp đến 2020, cừu vẫn được xác định là đối tượng nuôi chính trong cơ cấu đàn gia súc nuôi của tỉnh, tổng đàn cừu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 ước khoảng 190.000 con, sản lượng thịt 9.000 tấn.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề nuôi cừu cũng như những giá trị đặc trưng mang sắc thái riêng biệt của sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận, cho thấy việc xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu “thịt cừu Ninh Thuận” dưới hình thức chỉ dẫn địa lý là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay, không chỉ cho ngành nông nghiệp mà còn có ý nghĩa trong phát triển kinh tế-xã hội của Ninh Thuận. Thông qua việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho “sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận”, sẽ tạo điều kiện cho nghề chăn nuôi cừu phát triển, quảng bá và khẳng định sự uy tín của sản phẩm trên thị trường trong nước, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về “xây dựng nông thôn mới”, nâng cao đời sống người chăn nuôi cừu, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.